Ông Nguyễn Xuân Gụ cho biết mình không có quyền phát ngôn dù đang giữ chức danh Phó chủ tịch phụ trách truyền thông đối ngoại của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 7/4, Phó chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ nói rằng các nhà báo, phóng viên đừng gọi điện hỏi ông về các vấn đề của VFF. Ảnh: Internet. Ông Nguyễn Xuân Gụ cho biết, Ban chấp hành đang xây dựng quy chế người phát ngôn. Theo đó, chỉ Chủ tịch Lê Hùng Dũng và người được ủy quyền (Tổng thư ký Lê Hoài Anh) mới có quyền trả lời thông tin trước báo chí, truyền thông.“Tôi nói như vậy để các nhà báo đừng gọi điện cho tôi nữa, kẻo khi nghe máy tôi trả lời là không biết thì mất thời gian của cả hai bên. Còn các thông tin về VFF, mong mọi người hãy hỏi những người có thẩm quyền,” Phó chủ tịch truyền thông VFF nói như vậy trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 7/4.
Ông Gụ chia sẻ thêm, tối qua (6/4) sau khi có e-mail mời dự buổi gặp gỡ báo chí vào sáng 7/4, có hơn 10 phóng viên từ các cơ quan báo chí liên hệ với ông để hỏi về nội dung cuộc họp bất ngờ này. Đa số đều đặt nghi vấn rằng VFF sẽ họp bàn tìm người thay thế ông Lê Hùng Dũng làm Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Gụ khẳng định sức khỏe của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đang tốt dần lên. Do đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển, ông Dũng đang điều hành mọi hoạt động của VFF từ xa.
Ông Gụ nói thêm: “Mong báo chí không nên ca ngợi một cách thái quá, không nên so sánh tuyển thủ Việt Nam với những ngôi sao thế giới như Messi, Ronaldo. Việc truyền thông khen ngợi, khích lệ đội tuyển là rất quan trọng, nhưng cần điều tiết ở mức độ vừa phải thôi.”
Kết thúc buổi gặp mặt báo chí, truyền thông sáng 7/4, VFF khẳng định rằng sẽ đầu tư mạnh mẽ cho đội tuyển Việt Nam, lứa cầu thủ U23 dự SEA Games 2017 và lứa U19 hiện tại để hướng tới SEA Games 2019.
Ông Nguyễn Xuân Gụ từng là một nhà báo làm việc tại báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông trúng cử chức danh Phó chủ tịch phụ trách truyền thông đối ngoại VFF nhiệm kỳ 2014-2018.
Trong quá khứ, năm 1985, ông Gụ được giải thưởng ảnh quốc tế chụp tại giải SKDA 1984 “Giây phút thắng lợi“, được cấp giấy chứng nhận “Người chụp ảnh bậc thầy” tại Liên Xô cũ. Năm 1993, ông được giải thưởng quốc gia và giải B văn học – nghệ thuật do Bộ Quốc phòng tổ chức 5 năm một lần với tác phẩm “Những chiến sĩ thông tin”.
Đăng lúc: 15:14 07/04/2016