(BongDa.com.vn) – CLB Hà Nội sắp hoàn tất một trong những thương vụ bi hài mới nhất của bóng đá Việt. Với việc chuyển thành công “hộ khẩu” vào Sài Gòn, đổi chủ sở hữu và có thể là đổi cả tên họ.
CLB Hà Nội sắp hoàn tất việc đổi tên và chuyển “hộ khẩu”. Ảnh: Internet. Chẳng có gì mới mẻ. Bóng đá Việt từng chứng kiến rất nhiều cuộc chuyển hộ khẩu, thay đổi tên họ và có khi là cả logo của CLB xoành xoạch. Chuyện về những CLB như Navibank Sài Gòn (tiền thân là Quân Khu 4), Sài Gòn Xuân Thành (tiền thân là CLB Hoà Phát V&V) tưởng như đã trở thành dĩ vãng, dù chỉ mới xuất hiện cách đây chưa được chục năm. Bởi trong thời gian gần đây, sau những thất bại liên miên của nền bóng đá ở các cấp độ ĐTQG, nhiều nhà báo và chuyên gia đã kêu gào khản cổ về việc làm bóng đá bài bản, nghiêm túc và chuyên nghiệp của những ông chủ.Những lời hứa hẹn mới nhất của những người có trách nhiệm trong câu chuyện của CLB Hà Nội có vẻ tích cực. Đó là động thái cổ phần hóa của CLB Hà Nội. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, như lời ông Nguyễn Giang Đông – Chủ tịch Sài Gòn FC (tên mới) thì CLB đại diện cho đất Sài thành sẽ vô cùng rủng rỉnh tiền bạc. Họ cũng sẽ trở thành CLB đầu tiên tại Việt Nam bán cổ phần cho đại chúng. Với sự tham gia của nhiều Doanh nghiệp tiếng tăm như Him Lam, Chiến Thắng, Phương Trang, Trường Hải,… Bên cạnh đó cũng là các nguồn vốn từ nhiều nguồn nhỏ lẻ khác, được đầu tư dưới dạng cổ phần.
Ông Giang Đông (giữa) hy vọng đội bóng của mình sẽ nhận được sự ủng hộ của NHM bóng đá TP.HCM. Ảnh: Internet.Sài Gòn luôn là mảnh đất phồn hoa và thịnh vượng bậc nhất nước về mặt kinh tế. Vì thế việc CLB Hà Nội dễ dàng có được những sự hỗ trợ về mặt tài chính là điều dễ hiểu. Nhưng giống như Navibank Sài Gòn hay Sài Gòn Xuân Thành, những cuộc chuyển giao từng nhuốm đầy màu sắc lợi ích kinh tế, chính trị và thậm chí là cả việc vận dụng khôn khéo những mối quan hệ chằng chịt của các ông chủ hay người lãnh đạo. Liệu có ai dám chắc CLB Hà Nội – với tên mới là Sài Gòn FC không đứng ngoài chuyện đó. Và những sự ủng hộ của các doanh nghiệp chỉ đơn thuần là muốn làm bóng đá để quảng bá thương hiệu, thu được những lợi ích kinh tế chính đáng, hay phải phục vụ cho những mục đích của ai khác?
Người ta có lý do để cẩn trọng, bởi chính những quyết định thiếu suy xét và nhuốm đầy màu sắc nghiệp dư từng biến V-League trở thành một mớ hổ lốn. Và trong khi bóng đá Thái Lan đã hướng tới những mục tiêu mang tầm World Cup hay gần hơn là Châu lục (họ vừa úp mở việc nhiều khả năng cử đội tuyển trẻ tham dự AFF Cup 2016), thì chúng ta vẫn còn loay ha loay hoay với những thương vụ bi hài kiểu như thế.
Đăng lúc: 15:01 04/04/2016